Việc HYBE mua 14,8% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của SM Entertainment đã khiến showbiz Hàn “dậy sóng”. Phía HYBE cho biết hai thương hiệu sẽ kết hợp để cùng cạnh tranh tại thị trường thế giới. Tuy nhiên các nhà phân tích lo ngại rằng liên minh này quá lớn mạnh sẽ chiếm vị trí độᴄ tôn tại Hàn Quốc, và khiến K-pop suy yếu vì mất đi tính đa dạng.
Chủ tịch HYBE, ông Bang Si-hyuk (trái) và nhà sáng lập SM Entertainment, ông Lee Soo-man (phải)
Ngoài nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc là BTS, công ty HYBE còn sở hữu vài cái tên nổi bật như Le Sserafim hay TXT. Trong khi đó SM Entertainment quản lý rất nhiều tên tuổi như TVXQ, Super Junior, Girls’ Generation, EXO, Red Velvet, NCT, aespa… SM Entertainment cũng có danh tiếng ở Nhật Bản, với vị thế là công ty K-pop tiên phong khai phá thị trường này.
“Nhờ thành công của BTS mà HYBE đã tiếp cận được chuỗi cung ứng của thị trường âm nhạc toàn cầu. Nếu HYBE được sử dụng các sản phẩm của SM Entertainment, ví ᴅụ như nhóm NCT, cả hai sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp và chiếm được thị phần lớn hơn trên toàn cầu”, Kim Jin-woo, giáo sư tại Học viện Nghệ thuật Seoul nhận định.
Nhóm nhạc NCT 127 (Nguồn: SM Entertainment)
Theo giáo sư Kim, các thành viên của BTS – nhóm chiếm 65% doanh thu của HYBE năm 2022 – đã và sẽ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Dù NewJeans và Le Sserafim của HYBE đã gặt hái thành công, nhưng họ đang phụ thuộc rất nhiều vào doanh số từ thị trường Nhật Bản. Do đó, việc mang về những nhóm nhạc đã có tên tuổi của SM Entertainment sẽ là một giải pháp khôn ngoan, giúp HYBE duy trì sức mạnh trong khi các thành viên BTS vắng mặt.