Skip to main content

Nếu BTS biến mất thì số phận của toàn Kpop sẽ đi về đâu?

Nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới vừa thông báo sẽ tạm thời giảm hoạt động nhóm để mỗi thành viên theo đuổi sự nghiệp riêng. 

RM bảo anh cảm thấy mình đang thành máy rap, ban nhạc đang mất phương hướng, họ không còn biết mình muốn gửi thông điệp gì tới thế giới nữa, và nền công nghiệp K-pop không cho họ có thời gian trưởng thành. 

Có lẽ họ không muốn chỉ là một thần tượng hay một sản phẩm công nghiệp. Có lẽ họ muốn làm nghệ sĩ.

K-pop sẽ còn lại gì nếu BTS biến mất? Trong khoảng 5 năm qua, với nhiều khán giả phương Tây, BTS chính là K-pop và K-pop chính là BTS. 

Có lẽ vì thế mà chủ tịch Hiệp hội Ca sĩ Hàn Quốc đã đề nghị BTS cân nhắc, cho rằng thiếu vắng “The Beatles thứ hai”, quyền lực mềm của Hàn Quốc cũng sẽ nhanh chóng phai mờ.



Vị chủ tịch không hề nghĩ rằng nếu như BTS đích thực là “The Beatles thứ hai” như bà nói, thì việc họ tạm dừng lại là điều tất yếu. 

56 năm trước, khi đang say trong đỉnh cao cơn sốt Beatlemania, ban nhạc nước Anh cũng quyết định dừng những chuyến lưu diễn liên tục, dừng đóng vai những anh chàng dễ thương với kiểu đầu và gương mặt na ná nhau, dừng làm những ca khúc rock ‘n’ roll tiết tấu đơn giản khiến bọn trẻ phát cuồng. 

Họ tự giấu mình trong phòng thu và làm nghệ sĩ chân chính.

Trong MV Yet To Come (The Most Beautiful Moment) mới ra mắt hai tuần trước, ban nhạc đứng trước một chiếc xe buýt giữa sa mạc khô cằn, trên xe có dòng chữ “Emergency Exit” (Lối thoát hiểm). 



Việc nhóm nhạc hàng đầu cảm thấy mình rơi vào tình trạng khẩn cấp dường như cũng ngụ ý rằng chính K-pop đang rơi vào tình trạng khẩn cấp.

Khẩn cấp không phải vì hết BTS thì K-pop hết vốn. Lại một lần nữa, nếu BTS là “The Beatles thứ hai” thì họ sẽ không nổi tiếng chỉ để mà nổi tiếng, họ phải là tiên phong cho một điều gì đó lớn hơn chính họ, như The Beatles đã dẫn dắt “Cuộc xâm lăng của nước Anh” mở đường cho “một lô xích xông” ban nhạc vĩ đại. 

Và trong khi Hallyu đang dâng cao như cơn sóng thần trên mọi mặt giải trí, nếu như họ đã có “The Beatles Hàn Quốc” thì lo gì không có “The Rolling Stones Hàn Quốc” và nhiều hơn nữa.



Thứ rơi vào tình trạng khẩn cấp là hệ thống hoạt động của K-pop, một hệ thống nhân giống các thần tượng nhưng tuyệt diệt các nghệ sĩ. K-pop có lẽ chính là sa mạc trong Yet To Come, một vùng đất rất mênh mông nhưng đồng thời cũng ngày càng cằn cỗi và đơn điệu về âm nhạc. 

Thành viên Suga của nhóm thành thật rằng ngày xưa anh có điều gì đó để bày tỏ nhưng thiếu kỹ năng, còn bây giờ anh có kỹ năng nhưng chẳng biết bày tỏ điều gì. Khi đã thành thạo rồi thì người ta có thể sống tốt trên sa mạc, nhưng sao lại phải sống trên sa mạc?

Vài năm trước, BTS từng xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và trong bài phát biểu, trưởng nhóm RM kể lại tuổi thơ ở Ilsan, thời anh từng cố rập mình theo khuôn đúc như mọi người và thu mình lại như những bóng ma. BTS đã vượt qua điều đó nhưng một lần nữa, hẳn họ lại đang trải qua nó, chỉ khác là họ đã thành những bóng ma nổi tiếng. 



RM ᴋʜíᴄʜ lệ mọi người hãy yêu bản thân và hãy kể câu chuyện của mình: “Tôi muốn hỏi bạn câu này. Tên bạn là gì? Điều gì làm bạn phấn ᴋʜíᴄʜ và điều gì khiến tim bạn rộn ràng?”. Có thể là lúc này đây, chính BTS đang tự hỏi mình điều đó và chưa có câu trả lời. Nhưng không sao, điều quan trọng là họ đã hỏi ra.

Theo báo cáo thường niên của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế, BTS dẫn đầu bảng xếp hạng nghệ sĩ thu âm toàn cầu năm 2021, vượt qua Adele, vượt qua Taylor Swift. BTS biết mình đã đi lên tới đỉnh cao trên tư cách những thần tượng.

Cho nên đến lúc này, thứ duy nhất mà họ cần chứng minh là họ đã sẵn sàng làm ra một điều gì đó sẽ còn lại với thời gian…