Skip to main content

Thành công của Mono: Hiện tượng nhất thời hay khởi đầu của một ngôi sao?

Có thể nói MONO là tân binh thành công nhất tại Vpop trong vài năm trở lại đây, kể từ sau cú bùng nổ của Amee với “Anh nhà ở đâu thế” vào năm 2019. MONO đã đạt top 1 trending – thành tích đáng mơ ước của rất nhiều nghệ sĩ Vpop – ngay từ single đầu tiên “Quên anh đi”. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục phát hành một full album với 11 bài hát, tiếp tục là một thành tựu đáng nể mà không phải nghệ sĩ Vpop lâu năm nào cũng có được. Không quảng bá quá mạnh mẽ như single mở đường, album “22” của MONO vẫn được công chúng quan tâm và bài hát “Waiting for you” – track thứ 10 trong album – bất ngờ bùng nổ và đạt những thành tích vô cùng ấn tượng. Đến thời điểm hiện tại, lyrics video cho “Waiting for you” đã đạt hơn 56 triệu lượt xem trên youtube, và gần 4 triệu lượt xem cho MV chính thức.



Đi cùng với những thành tích cực kì đáng nể ấy là những thị phi bủa vây MONO. Nhất cử nhất động của MONO đều trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của khán giả, trong số đó có không ít những nghi ngờ về khả năng của anh.

 

Thành công trong sự nghi ngại của khán giả

Ngay từ khi công bố dự án âm nhạc, cái tên MONO đã gây sốt trên cộng đồng mạng với danh “em trai Sơn Tùng”. Đứng sau cái bóng quá lớn của một trong những nghệ sĩ thành công bậc nhất lịch sử Vpop, không khó hiểu khi MONO nhận được sự quan tâm lớn đến như thế, đi cùng với đó là những sự đánh giá khắt khe hơn hẳn so với các tân binh khác. MONO không những không e ngại điều đó, mà anh còn hợp tác với Onionn. – producer đã gắn bó với Sơn Tùng trong nhiều năm – trong sản phẩm đầu tay. Mọi sự chú ý đều đổ dồn vào màn debut hoành tráng, hoành tráng cả về sức hút truyền thông cũng như sự đầu tư khủng.



Ngay khi single “Quên anh đi” ra mắt, rất nhiều ý kiến của khán giả cho rằng giọng hát của MONO còn quá yếu, khả năng sáng tác kém. Đặc biệt, khi video MONO trình diễn lần đầu tiên trên sân khấu xuất hiện trên mạng, làn sóng chỉ trích càng mạnh mẽ khi MONO hát live chưa ổn định và trình diễn còn kém. Đỉnh điểm, khi MONO bật khóc trong một bài phỏng vấn, sự chỉ trích anh càng được đẩy lên cao, thậm chí từ những nguồn “chính thống” hơn là chỉ những bình luận trên mạng xã hội.

Khi “Waiting for you” đạt được thành công, làn sóng chỉ trích MONO dần hạ nhiệt nhờ việc bài hát hiện đại, bắt tai, hợp gu giới trẻ. Tuy nhiên, không lâu sau đó, đoạn video ghi lại hình ảnh MONO biểu diễn tại một quán bar được đăng tải, và MONO tiếp tục hứng chịu những bình luận chê trách về khả năng trình diễn, thậm chí cả những bình luận miệt thị ngoại hình một cách khiếm nhã. Gần đây nhất, một nhân vật đình đám cũng chia sẻ chất giọng của MONO còn nhiều yếu kém. Thậm chí, nhiều người hoài nghi rằng nếu không có cái bóng của anh trai và sự trợ giúp của ekip sản xuất cũ của anh mình, MONO liệu có thể đạt được những thành tích như hiện tại?



Năng lực thật sự của MONO?

Những nghi ngờ của khán giả về khả năng của MONO không hẳn là sai hoàn toàn, đặc biệt là ở single đầu tiên “Quên anh đi”. Trong sản phẩm âm nhạc này, giọng hát của MONO được xử lý chìm khuất dưới lớp âm thanh điện tử dày đặc, nhưng người nghe vẫn có thể thấy rõ những quãng cao được xử lý thô, những đoạn ad-libs thiếu ăn nhập, và đặc biệt là lyrics còn nhiều điểm bất ổn.

Tuy nhiên, khi đặt “Quên anh đi” tại địa hạt Vpop, đây không phải là một sản phẩm tệ. Với sự sản xuất của một producer nhiều kinh nghiệm như Onionn., bài hát được làm với một sự chắc chắn trong mặt âm thanh, phong cách riêng biệt rất hợp thời đại và hợp với phong cách, tư duy của MONO. Ngay cả về mặt hình ảnh, sản phẩm cũng được đầu tư hoành tráng với những khung cảnh hùng vĩ và xử lý màu sắc rất chuyên nghiệp. Đây hoàn toàn là một sản phẩm ổn đối với một tân binh như MONO, thậm chí những vấn đề trong sân khấu live đầu tiên của anh đều không quá nghiêm trọng, vẫn có thể thông cảm được nếu như suy xét đến việc MONO khi đó mới debut chưa đến một tuần.



Đến khi phát hành album đầu tay, khán giả đã có dịp nhìn nhận một cách đa chiều hơn về năng lực thật sự của MONO. Không chỉ là một ca sĩ, MONO còn tham gia sáng tác cho toàn bộ 11 bài hát trong album, và các bài hát này được xây dựng theo một mạch thống nhất với câu chuyện rõ ràng xuyên suốt. Cần phải nhìn nhận rằng, tại Vpop, có nhiều nghệ sĩ ra mắt đến 4-5 năm cũng chưa sở hữu được một album cho riêng mình. MONO tại thời điểm đó mới chỉ debut chưa tới 1 tháng mà đã sở hữu cho mình một album, thậm chí đây còn là một concept album, thì chưa cần biết hay hay dở, chỉ riêng về tầm nhìn cũng đủ sức đưa MONO đứng tách biệt với nhiều đồng nghiệp khác.



Album “22” của MONO là một sản phẩm âm nhạc đặt nặng vào phần phối khí, khi Onionn. có rất nhiều khoảnh khắc tỏa sáng như việc tạo ra 2 track interlude giúp dẫn dắt và chuyển đoạn cho album cực kì tốt, xây dựng những khoảnh khắc âm nhạc bất ngờ, táo bạo trong “Em không thể”, bắt trend synth pop và làm mọi thứ đến nơi đến chốn trong “Waiting for you”,… Tuy nhiên, để có thể theo kịp tất cả những tính toán trong mặt sản xuất ấy, sự góp sức của MONO là không thể thiếu. Tất cả các sáng tác của MONO cần phải tuân thủ chặt chẽ theo concept cũng như diễn biến của câu chuyện, MONO cũng cần phải nắm bắt tốt được không gian âm nhạc mà Onionn. sắp đặt trong từng bài để có thể lựa chọn được cách trình bày phù hợp. Rõ nhất là ở trong track “Em không thể”, khi Onionn. chia bài hát ra làm hai nửa với những cảm xúc hoàn toàn khác biệt, thì MONO cũng đáp ứng rất tốt khi lựa chọn được hai cách thể hiện khác nhau để giúp cho đây là bài hát phức tạp, ấn tượng nhất của album.



Hay ở bài hát thành công nhất album “Waiting for you”, khả năng viết lời và trình bày của MONO cũng cho thấy một sự thông minh và có tính toán. Lựa chọn xây dựng hình tượng “nam phụ si tình” chỉ biết đứng sau chờ đợi nữ chính, MONO mang đến một phần trình diễn rất hiền lành, nhẹ nhàng, rất ngọt ngào, hạn chế những nốt quá cao để khiến bài hát luôn ở trong vòng an toàn, dễ nghe. Nội dung bài hát cũng như cách trình bày của MONO khiến cho bài hát có thể ghép vào rất nhiều content viral trên mạng xã hội, dễ dàng “đốn tim” fan nữ, còn phần sản xuất synth pop trendy lại là sở thích của nhóm đối tượng nam giới. Một bài hát thành công bất ngờ nhưng không quá khó hiểu.



Tất nhiên, MONO cũng còn nhiều điểm yếu. Rõ rệt nhất, giọng hát của MONO còn thô, xử lý bài hát vẫn rất khô cứng. Trong các video trình diễn live, MONO cũng dùng đến sự hỗ trợ khá nhiều của back track chứ chưa thể live 100%. MONO có khả năng sáng tác, nhưng không phải bài nào cũng ổn, phần lớn các ca khúc vẫn chứa những ca từ ngô nghê, giai điệu chuyển biến không đặc sắc, dựa dẫm khá nhiều vào phần sản xuất phức tạp của Onionn. để nâng tầm. Khả năng trình diễn của MONO cũng không thực sự tốt, anh chưa thể nhảy một cách tự tin, kiểm soát sân khấu kém.

 

Tuy nhiên, với những đoạn video ít ỏi về những màn trình diễn của MONO, khán giả có thể thấy anh đang dần tiến bộ dẫu không quá rõ ràng. MONO cũng không phải là một nghệ sĩ bất tài, tất cả những hạn chế được kể phía trên đều là những thứ có thể cải thiện được. Quan trọng, MONO sở hữu những thứ mà không phải ai cũng có: tầm nhìn để tạo ra được một sản phẩm âm nhạc chặt chẽ, có thể tự hát tự sáng tác, phối hợp được với ekip lớn để xây dựng một concept chỉn chu, chuyên nghiệp. Debut chưa đến nửa năm, còn quá sớm để nói MONO có thể đi được đường dài hay không hay đi được bao xa. Nhưng với những thứ đã thấy, có thể khẳng định thành công của MONO có sự đóng góp rất lớn từ chính năng lực cũng như sự tính toán thông minh của anh và ekip, cho thấy một tiềm năng không hề nhỏ của tân binh này trong tương lai.