Skip to main content

Đại dịch Body-shaming: Bóng ma tâm lý của Idol, hiện tượng phổ biến trong xã hội và cái nhìn khắc nghiệt của công chúng

Có một hiện tượng chia rẽ đặc biệt, một sự rạn nứt trong xã hội mà chúng ta đang sinh sống hiện nay! Việc theo đuổi sự hoàn hảo song song với việc sự ganh ghét được tạo ra từ những ám ảnh thường ngày của con người khiến cho họ dần mất đi nhận thức rằng cái nào đúng, cái nào sai. Có bao nhiêu người trong chúng ta từng quan sát kỹ lưỡng bản thân mình trong gương và không thể nào gạt bỏ tâm trạng tự ti sau khi bị chê bai ngoại hình? Chắc chắn là không ít!

Mập” chắc chắn là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất trong nền văn hoá của chúng ta. “Body-shaming“, hành vi đưa ra phát ngôn tiêu cực và không thích hợp đối với trọng lượng hoặc kích thước cơ thể của người khác, có thể xuất hiện dưới mọi hình thức. Đó có thể là những nhận xét mang tính xúc phạm được đăng lên mạng xã hội, hoặc một lời bình luận của bạn về người khác trong lời nói hàng ngày. Thông thường, những người nổi tiếng sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của body-shaming, và nó trở nên phổ biến đến mức chúng ta chỉ còn biết chấp nhận. Tuy những lời đánh giá về ngoại hình của người nổi tiếng đã trở nên quá bình thường, nhưng phải chăng chúng ta nên ngăn chặn hiện tượng này?



Thành viên nhỏ tuổi nhất của Pristin – Kyla Massie, từng trở thành chủ đề của một cuộc tranh luận nóng hổi liên quan đến cơ thể và cân nặng của cô. Tuy cũng là nạn nhân của hiện tượng body-shaming, nhưng cô gái trẻ này đã bị vùi dập trong rất nhiều bình luận ác ý. Một số người thậm chí còn nói rằng Kyla không phù hợp để trở thành một thần tượng khi mà cô ấy thậm chí còn không thể điều chỉnh hình thể cho phù hợp. Tình hình tội tệ đến mức anh trai của Kyla phải lên tiếng trên Twitter để bảo vệ đứa em gái tội nghiệp.

Trong khi có nhiều người hâm mộ phản đối những nhận xét cay nghiệt và tin rằng Kyla không cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế của Kpop, không ít người khác lại đòi hỏi thần tượng phải duy trì một vóc dáng nhất định để luôn có vẻ ngoài xinh đẹp trước mắt công chúng . Cũng có những ý kiến cho rằng người hâm mộ im lặng mỗi khi đến phân đoạn của Kyla trong các sân khấu live và fanmeeting của nhóm, nhưng không ai chắc chắn liệu một cuộc tẩy chay có thật sự diễn ra, hoặc sự im lặng đó có thể hiện thái độ không hài lòng của họ đối với ngoại hình của Kyla hay không. Điều duy nhất có thể chắc chắn là hiện nay, bất kỳ dấu hiệu nào của sự không hoàn hảo về cơ thể, đặc biệt là thừa cân, đều có thể gây ra một cơn thịnh nộ dữ dội trong dư luận. Nỗi căm ghét người béo phì đã trở nên phổ biến đến mức giờ đây nó đã trở thành một phần của ngôn ngữ và sự tương tác giữa con người chúng ta. Ở một mức độ nhất định, nó đã trở thành tội ác được tạo ra từ chính truyền thông và công chúng.



Pristin fancam

Không chỉ trong Kpop mà cả xã hội nói chung, chế giễu ngoại hình con người bất kể giới tính đã trở thành một căn bệnh truyền nhiễm lan tỏa khắp mọi nơi. Luôn tồn tại quan điểm cho rằng một cơ thể hình chữ S mảnh mai đối với phụ nữ và một thân hình săn chắc rắn rỏi đối với nam giới chính là những quy chuẩn mà ai cũng phải phấn đấu để đạt được. Ngay đến trẻ em và thanh thiếu niên cũng không ngoại lệ! Sự méo mó về nhận thức khiến người ta cho rằng bất cứ đặc điểm thiếu lý tưởng nào đều là một cái gì đó bất bình thường và không xứng đáng được tôn trọng.



Đặc biệt, Kpop là một sân chơi đòi hỏi tiêu chuẩn cái đẹp rất khắc nghiệt. Hàn Quốc có vẻ là một quốc gia hướng tới sự hoàn mỹ, điều này giải thích cho nỗi ám ảnh của họ về cái đẹp và ngành phẫu thuật thẩm mĩ trị giá 4,6 tỷ USD. Mặc dù các phương tiện truyền thông là yếu tố chính dẫn đến những tiêu chuẩn sai lầm về cái đẹp, nhưng bản thân công chúng chúng ta cũng đóng một phần quan trọng trong việc cổ xúy những chuẩn mực đó. Là người tiêu dùng, chúng ta bị ảnh hưởng và buộc phải chấp nhận các sản phẩm mà thị trường đem đến.

Kpop là một sân chơi đòi hỏi tiêu chuẩn cái đẹp rất khắc nghiệt



Ngay khi bạn bước chân vào thế giới Kpop, bạn không chỉ bị giới hạn trong âm nhạc của họ, mà còn bị áp đặt vào khuôn khổ về hình thể và gương mặt của một thần tượng. Hình mẫu đó được quảng cáo như một món hàng kinh doanh nhắm vào những người bị thu hút bởi ngoại hình rồi sau đó mới đến tài năng. Công thức chung mà họ vẽ nên là: Mặt đẹp, dáng người cao ráo, cấu trúc cơ thể hoàn hảo. Bạn có thể là người tài năng nhất, nhưng nếu bạn gầy quá mức hoặc đột ngột tăng cân thì hãy sẵn sàng để bị chửi bới.

Điều này dẫn đến một câu hỏi nhức nhối là: Tại sao mọi người lại có tư tưởng kì thị ngoại hình?



Thông thường, khi chúng ta muốn trò chuyện, chúng ta sẽ luôn tìm thấy chủ đề để nói. Dù tích cực hay tiêu cực, khi chúng ta có ý kiến, chúng ta đều muốn nói ra, bất kể lời nói của chúng ta có giá trị hay không. Nó trở thành một thói quen ăn sâu trong tiềm thức nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà không cần quan tâm đến cảm nhận của người khác. Tuy nhiên, chúng ta thường sẽ không nhận ra hậu quả tiêu cực từ những hành động như vậy.

Tại sao mọi người lại có tư tưởng kì thị ngoại hình?

Thái độ kì thị ngoại hình là một thước đo cho thấy xã hội của chúng ta đang lạc hậu như thế nào. Kyla chỉ là một đứa trẻ vị thành niên, và cô ấy đang đối mặt với những vấn đề về ngoại hình mà bất kì ai cũng từng phải trải qua ở lứa tuổi đó. Trong quá trình phát triển thành người trưởng thành, thanh thiếu niên thường có xu hướng dao động cân nặng, gặp phải các vấn đề liên quan đến lòng tự trọng và sự không hài lòng về cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuẩn mực vẻ đẹp hình thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người, đặc biệt là phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Đây là một số yếu tố gây ra việc hạn chế ăn uống và các phương pháp kiểm soát cân nặng không lành mạnh, có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn, nhất là với thanh thiếu niên, độ tuổi vẫn đang trong quá trình phát triển và thay đổi cơ thể.



Việc chúng ta cần xem xét chính là: Kyla thực tế là con lai. Mang hai dòng máu Hàn Quốc và Mỹ, cô ấy có nhiều điểm khác biệt so với một thần tượng Hàn Quốc đơn thuần, vì hai dân tộc có đặc trưng ngoại hình rất khác nhau. Do đó, thật không công bằng nếu đòi hỏi Kyla có đặc điểm hình thể của một người Đông Á thuần chủng.

Kyla là con lai, mang 2 dòng máu Hàn – Mĩ

Hơn nữa, không phải tất cả mọi người đều được sinh ra với tạng người mà truyền thông và công chúng yêu quý. Để đạt được những chỉ số “thần thánh” như vậy, hầu hết các thần tượng phải ép mình vào các chế độ ăn uống không lành mạnh. Nhiều thần tượng gầy gò một cách đáng sợ, có những người vốn dĩ đã nhẹ cân nhưng vẫn phải tiếp tục chế độ ăn kiêng vì họ được yêu cầu hoặc bị áp lực phải làm như vậy. Tất nhiên, mục đính chính của họ vẫn là muốn có ngoại hình đẹp, nhưng những lời ca ngợi quá mức về vòng eo con kiến và những cơ thể lộ cả xương sườn cùng với nhận định sai lầm về cân nặng ở Kpop lại được chấp nhận và xem là “chuẩn mực“. Đó là một thực tế đáng buồn!



Tất nhiên, những gì đã nói ở trên không đồng nghĩa với việc chê bai người gầy là được chấp nhận. Trên thực tế, nó cũng đáng ghê tởm không kém gì chỉ trích người mập. Những gì chúng ta cần lên án ở đây là tư tưởng chung rằng, gầy là cách duy nhất để được coi là đẹp. Thậm chí ngày nay, rất hiếm thấy những cá nhân có vóc dáng tự nhiên không phù hợp với tiêu chuẩn lại được khen ngợi hoặc chấp nhận tại Hàn Quốc, vì nhiều cửa hàng vẫn chỉ mang ý nghĩ “một kích cỡ phù hợp với tất cả mọi người“.

Những thần tượng thường là mục tiêu bị công chúng chỉ trích vì hình thể, điển hình là Joy và Wendy của Red Velvet, Chaeyeon của DIA, Jihyo của Twice hay nữ ca sĩ Ailee. Để trở lại sân khấu, Ailee từng phải giảm 10kg và hệ lụy là giọng hát nội lực của cô bị suy yếu đáng kể. Nhưng cư dân mạng lại chẳng bằng lòng với thân hình thon thả hơn của Ailee, và họ quay ngược lại yêu cầu cô phải trở về trọng lượng ban đầu. Nghe thật nực cười làm sao!



Ailee

Jihyo cũng từng phải nhận rất nhiều lời chỉ trích về hình thể bởi chính bản thân JYP ngay tại cuộc thi Sixteen, kế đến là cư dân mạng, giới truyền thông và thậm chí cả người hâm mộ của Twice – những kẻ được gọi với thuật ngữ “akgae fan“. Trong quá trình Jihyo tham gia King of Masked King của đài MBC – một nơi đòi hỏi thí sinh phải che giấu danh tính của mình, các thành viên ban giám khảo đã nhận xét rất khó nghe về hình dáng của cô, chẳng hạn như: “Ngày nay, thần tượng rất chú trọng việc chăm sóc cơ thể, nhưng dường như cô ấy đang mắc hội chứng cổ cao” và “Tôi không nghĩ cô ấy là thần tượng“.



Jihyo trong chương trình Sixteen

Tương tự, Wendy cũng giảm được số cân nặng đáng sợ kể từ khi ra mắt, nhưng bộ dạng trơ xương của cô hiện tại cũng gây ra những lo ngại về rối loạn ăn uống và chấn thương tâm lý. Trong một chương trình radio, Wendy tiết lộ rằng mình không còn ăn kiêng và đang giảm cân một cách tự nhiên. Tuy nhiên, cô thừa nhận rằng mình tự nhận thức được tình hình và rất sợ việc trở nên mũm mĩm giống như thời kỳ trước debut.

Wendy trước và sau khi giảm cân

Vô số thần tượng luôn nỗ lực để đạt được vóc dáng lý tưởng nhưng phi thực tế vẫn đang ngày đêm lo lắng và thường phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình. JinE của Oh My Girl đã phải dừng mọi hoạt động để điều trị chứng biếng ăn, sau khi tự bỏ đói bản thân để chuẩn bị cho những màn comeback trước đó. Dasom (Sistar) tiết lộ rằng cô bị ám ảnh vì những người bình luận về cân nặng của cô, và sẽ ngừng ăn nếu có ai đó nói với cô rằng cô đang tăng cân. Sojung (Ladies Codes) từng chia sẻ một sự thật đáng sợ rằng cô không có kinh nguyệt trong một năm vì chế độ ăn kiêng cực kì khắc nghiệt.



Cũng cần lưu ý rằng các thần tượng nữ không phải là những người duy nhất gánh chịu phản ứng dữ dội về vấn đề này. Xiumin – anh chàng “bánh bao” của EXO, và Jimin (BTS) cũng phải trải qua đợt giảm cân khốc liệt sau khi fan và cư dân mạng liên tục nhận xét về bộ dạng mũm mĩm của họ. Từ ngoại hình khỏe mạnh và đáng yêu, cả hai nam thần tượng giờ đây đã gầy như que củi và trông vô cùng tiều tụy, khiến nhiều người hâm mộ cảm thấy lo lắng.

Jimin trước khi giảm cân và sau khi giảm cân

Niềm đam mê đạt tới sự hoàn hảo đã gây ra một chứng bệnh làm tê liệt tinh thần và thể chất của cả người nổi tiếng lẫn người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ vì họ muốn bắt chước những thần tượng mà họ yêu quý. Theo báo cáo Y tế năm 2015, Hàn Quốc đứng thứ 4 về tỷ lệ béo phì ở các cô gái trẻ. Tuy nhiên, nghiên cứu của Đại học Sahmyook năm 2013 chỉ ra rằng gần 95% trong số 154 sinh viên nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường ở mức từ 18 đến 23 cho biết họ không hài lòng với cơ thể của mình, và hơn 60% cảm thấy họ cần phải giảm cân.



Các chuyên gia quy trách nhiệm cho giới truyền thông, những người cổ xúy kiểu vóc dáng gầy gò và chê bai từng khuyết điểm hình thể nhỏ nhặt nhất. Tờ Chosun Ilbo cũng khẳng định rằng, để trông giống thần tượng của mình, nhiều cô gái tuổi teen đã và đang ăn kiêng quá mức, đến nỗi họ bắt đầu xuất hiện tình trạng rối loạn ăn uống kinh niên như biếng ăn và háu ăn. Những rối loạn ăn uống trong tuổi dậy thì có thể dẫn đến sự phát triển còi cọc và khiến cho thanh thiếu niên yếu ớt về mặt thể chất. 

Nhiều thanh thiếu niên cũng thực hiện theo chế độ ăn kiêng được tiết lộ bởi các ngôi sao nữ. Một nghiên cứu trực tuyến về sức khoẻ của thiếu niên ở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Hàn Quốc năm 2014 cho thấy 45.1% nữ giới ở độ tuổi vị thành niên và 23.1% nam giới đang trải qua chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, và 18.8% nữ giới đã mua thuốc giảm cân và thuốc nhuận tràng, thậm chí là phải dùng đến các biện pháp cực đoan như ói mửa và nhịn đói để duy trì thân hình mảnh mai.



Xiumin trước khi giảm cân và sau khi giảm cân

Ngoài ra, sự phổ biến của chứng rối loạn ăn uống cũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là rối loạn ăn uống ở trẻ em. Nghiên cứu của Hiệp hội chăm sóc trẻ em và những năm đầu đời ở Anh cho thấy rằng, gần 1/3 các nhà giáo dục từng nghe thấy một đứa trẻ tự cho mình là mập, và một trong số những yếu tố gây nên tình trạng đó là tiếp xúc quá nhiều với các phương tiện truyền thông, cụ thể là các ngôi sao truyền hình. Trong khi chúng ta đang cau mày vì vấn đề này, liệu chúng ta có đang thực sự khuyến khích “bệnh dịch” này bằng cách tấn công Kyla, cô gái chưa đến tuổi trưởng thành hay không?



Có thể hiểu được nếu chúng ta đang nói về chứng béo phì, thứ có khả năng đe dọa đến tính mạng, và chúng ta quan tâm đến sức khoẻ của họ. Đó nên là mục đích chính đằng sau việc yêu cầu ai đó phải chăm sóc cơ thể của họ chứ không phải vì họ không phù hợp với chuẩn mực hình thể lý tưởng của giới truyền thông. Có một ranh giới phân rõ đâu là khỏe mạnh, đâu là béo phì, và các thần tượng đã và đang bị body-shaming thường không phải là người béo phì.

Để chấm dứt việc mỉa mai cơ thể người khác và để những người nổi tiếng ngừng chế độ ăn kiêng quá khắc khiệt, quan trọng nhất là công chúng cần phải bỏ ngay cái tư tưởng thần tượng phải đẹp như những con búp bê giấy, đồng thời bắt đầu chấp nhận một vóc dáng cơ thể khỏe mạn. Chỉ có một số ít thần tượng dám tiến lên phía trước để đưa ra tiếng nói tôn vinh vẻ đẹp hình thể khác với chuẩn mực của họ. Sistar tự hào với cơ thể khoẻ mạnh và vừa vặn của cả nhóm. Hwasa của Mamamoo cũng tạo ra một sự thay đổi tích cực đối với khuynh hướng chung bằng một vóc dáng hấp dẫn hơn.



Hwasa (MAMAMOO)

Trong phân đoạn Idol Men trên chương trình Section TV của đài MBC, Lee Sangmin và Killagramz đã ủng hộ Kyla bằng cách nói rằng cô trông thật đẹp theo cách của riêng mình, bất chấp những lời chỉ trích trong và ngoài nước về vóc dáng của cô. Mặc dù nó không gây tác động mạnh mẽ tới truyền thông, nhưng chúng ta chắc chắn cần nhiều hơn nữa sự ủng hộ như thế này từ công chúng.

Văn hoá nhạc pop là một trong những hình thức truyền thông đa dạng nhất và là phương tiện hữu hiệu để truyền bá tính tích cực về các chuẩn mực xã hội hay các khái niệm văn hoá. Đại dịch mang tên “body-shaming” đang ngày càng trầm trọng hơn, và chúng ta vẫn chưa được giải phóng khỏi móng vuốt tàn nhẫn của xã hội. Với những hậu quả tai hại về sức khoẻ, chúng ta cần bênh vực nhiều hơn những ai dũng cảm thách thức áp lực xã hội và đòi hỏi một sự thay đổi mang tính toàn diện trong Kpop. Chỉ bằng cách tiếp tục hô to tiếng nói chống lại sự kì thị, chúng ta mới có thể tạo nên sự thay đổi.



Sự nhạo báng cơ thể được xem là một trong những hình thức bắt nạt phổ biến nhất thông qua Internet và việc một cô gái 16 tuổi bị miệt thị vì ngoại hình chính là một hiện tượng vô cùng tàn nhẫn. Có hai tình huống có thể xảy ra sau vấn đề này – hoặc Kyla (hay đúng hơn là Pledis) khoe được một vóc dáng thon gọn hơn trong đợt comeback tiếp theo của Pristin, hoặc cô ấy tiếp tục thách thức các tiêu chuẩn về cái đẹp của Kpop và trở thành một người dám đề cao ngoại hình của chính mình.

Vẫn có không ít người khẳng định họ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu các thần tượng yêu thích của mình tăng cân, chính xác là ăn uống điều độ, đủ chất và không cần phải bỏ đói bản thân. Vẻ đẹp không phải là kích thước cụ thể – lớn hay nhỏ, hoàn hảo hay không hoàn hảo. Đã đến lúc một sự thay đổi tích cực cần phải diễn ra trong cái ngành công nghiệp luôn chỉ dựa vào một quy chuẩn đồng nhất về ngoại hình này rồi!